Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Họa sĩ Lê Hướng Quỳ cống hiến hết mình cho hội họa
25/11/2022 12:00:00

Tác giả: Thu Mai

 
 
 Họa sĩ Lê Hướng Quỳ (1944-2019)
 
 
 Họa sĩ Lê Hướng Quỳ sinh năm 1944 tại thôn Phong Mục, Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Thế nhưng hầu hết cuộc đời ông gắn bó với mảnh đất quê hương Hải Dương. Ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương (VHNT) năm 1978, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1984, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa VI.

Đam mê hội họa từ nhỏ, năm 1967 tốt nghiệp Trung cấp Điêu khắc hệ 7 năm (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) ông về công tác tại phòng Thông tin cổ động Sở Văn hóa tỉnh Hải Dương. Trong thời gian công tác ông không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện bản thân. Năm 1977, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật chuyên ngành Hội họa.

Cũng như nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc cùng thế hệ khi về công tác tại các Sở Văn hóa các địa phương, nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động được đặt lên hàng đầu. Để đáp ứng công việc, ông tự học đồ họa, mỹ thuật ứng dụng để vẽ pano tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, trong đó có tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong công tác, ông được biết đến là một cán bộ gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ dồn toàn tâm toàn ý, trách nhiệm cao cho công việc. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mỹ thuật Hải Dương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng và nền Mỹ thuật Hải Dương nói chung. Những năm đầu công tác, ông chủ yếu dành thời gian cho sáng tác tranh cổ động. Ở mảng này, ông đã tạo được những nét riêng cho mình như: “Lúa tốt thêm nhiều phần bội thu” (1970), “Chăm sóc tốt đàn lợn tập thể” (1976), “Toàn dân trồng rừng” (1977), “Xây dựng vựa lúa” (1980); “Trồng nhiều cà chua xuất khẩu” (1982)…

Mặc dù bộn bề công việc, ông vẫn dành niềm đam mê cho nghệ thuật hội họa chuyên nghiệp. Ông sáng tác ở nhiều mảng đề tài với các chất liệu khác như: sơn dầu, bột màu và nhất là lụa, thế mạnh của ông. Nhiều tranh lụa của ông với những nhân vật thân quen, bình dị, đã tạo được ấn tượng sâu đậm. Qua những nét vẽ mềm mại, mảng màu riêng, cho dù sắc đen, màu đen hay độ đậm nhạt song tranh lụa của ông luôn phô khoe được các “thớ dọc” “ganh ngang”, tạo nên sự phong phú của sắc, độ trên các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị. Nó không chỉ tạo nên phong cách nghệ thuật vẽ lụa riêng mà còn khiến cho người thưởng thức cảm nhận mỗi tác phẩm như có hương, có sắc như tác phẩm: "Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn", "Một thời chưa xa", "Xuống đồng", "Hội thi cấy", "Mùa thi", “Nghiệm thu sản phẩm”, “Hoa của đất”, “Hoa sứ”… Về mảng tranh sơn dầu, bột màu, mỗi chất liệu họa sĩ Lê Hướng Quỳ luôn thể hiện với bút pháp riêng, màu sắc trong trẻo, không gian gần như thật, khắc họa được cảm xúc chân thành. Những tác phẩm hội họa như: “Trang sử mùa vàng” (Sơn dầu), “Đào hào trận địa đêm trăng” (Sơn dầu), “Hương cốm” (Bột màu)... thể hiện rất rõ điều này.

 
Tranh cổ động 
 

Họa sĩ Lê Hướng Quỳ có nhiều tác phẩm tranh hội họa, tranh cổ động tham gia triển lãm quốc tế, toàn quốc, khu vực và của tỉnh. Tham gia triển lãm tranh cổ động từ năm 1970, hiện ông có hơn 40 tác phẩm tranh cổ động tham gia triển lãm quốc tế, toàn quốc, tỉnh. 6 tác phẩm tranh cổ động được lưu giữ tại các bảo tàng: Mỹ thuật Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Cách mạng Việt Nam, Lịch sử Quân sự và tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng. Năm 2004, họa sĩ Lê Hướng Quỳ tổ chức triển lãm cá nhân (tranh lụa, sơn dầu, bột màu…) với những tác phẩm từng ghi dấu ấn qua những cuộc triển lãm toàn quốc, khu vực, tỉnh… và gây được tiếng vang.

 
Nghiệm thu sản phẩm (Lụa) 

 

Với những cống hiến của mình, ông đoạt nhiều giải thưởng về hội họa, trong đó có giải Nhì tranh cổ động toàn quốc năm 1976, tác phẩm “Chăm sóc tốt cho đàn lợn tập thể”; giải Nhất, Nhì tranh cổ động tỉnh Hải Dương, năm 1974; 2 giải Ba tranh cổ động toàn quốc, năm 1997; giải tặng thưởng triển lãm khu vực II Đồng bằng sông Hồng năm 1999. Ngoài ra ông còn đạt giải C, Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ IV (1996 – 2000); 3 Giải KK, Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ I (1981 – 1985), lần thứ V (2001 – 2005), lần thứ VI (2006 – 2010).
 
 
 
Đào hào trận địa đêm trăng (Sơn dầu) 

 

Không chỉ ghi dấu ấn ở mảng hội họa, họa sĩ Lê Hướng Quỳ còn thể hiện cảm xúc của mình qua những áng thơ. Ông đã xuất bản 4 tập thơ: “Giữa không gian ba chiều”, NXB Hội Nhà văn, năm 2004; “Sắc màu thời gian”, NXB Hội Nhà văn, năm 2006; “Ảo hình lãng đãng”, NXB Văn học, năm 2013; “Sắc màu tâm cảm”, năm 2018. Trong đó tập thơ “Ảo hình lãng đãng” đoạt Giải Khuyến khích, Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ VII (2011-2015).
Với những cống hiến cho sự phát triển của Mỹ thuật Hải Dương cũng như sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lê Hướng Quỳ đã được trao tặng huy chương “Chiến sĩ Văn hóa của Tổng cục Thông tin Việt Nam”, huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”; huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam”. Nay ông đã là người thiên cổ nhưng những cống hiến cho hoạt động VHNT của ông luôn là tấm gương và niềm tự hào của các thế hệ văn nghệ sĩ kế cận tỉnh nhà. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Ra Giêng(29/03/2024)
Hào khí nước Nam(29/03/2024)
Nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng(29/03/2024)
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Chiếc vòng hoa gió(24/11/2022)
Tản văn "Mục đồng" của tác giả Văn Duy(24/11/2022)
Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ(23/11/2022)
Vắng cha(23/11/2022)
Truyện ngắn "Một mùa sương thức" của tác giả Nguyễn Ngọc Tư(23/11/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na