Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục tác giả, tác phẩm: Tác giả Nguyễn Hữu Phách - Một nhà văn, nhà báo đa tài" của tác giả Kim Xuyến
31/12/2022 10:51:59

Nhắc đến tác giả Nguyễn Hữu Phách, hội viên ban Văn nghệ dân gian- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hẳn nhiều người biết, bởi ông vốn là một nhà báo. Nghỉ hưu đã hơn 20 năm nhưng tên của ông vẫn xuất hiện đều đặn trên các tờ báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương. Ở tuổi 88, ít tác giả vẫn còn minh mẫn, sáng tác đều tay như ông. Lĩnh vực nào, ông cũng hăng hái và đạt được thành tựu.

 

Tác giả Nguyễn Hữu Phách sinh năm 1935 tại thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp Khoá I, lớp Báo chí Trung ương (1960- 1961), ông là 1 trong 5 người thực hiện số báo đầu tiên của Báo Hải Dương. Trước khi đến với nghề báo, ông đã từng có khoảng thời gian gần 2 năm gắn bó với nghề giáo. Tuy dạy học nhưng ông lại đam mê viết báo. Bài báo đầu tiên ông viết được đăng báo Người giáo viên nhân dân. Ngoài viết báo, ông còn sáng tác thơ, truyện ngắn. Ông là lớp hội viên đầu tiên khi Hội VHNT tỉnh thành lập năm 1978; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1982. Trong hoạt động văn học, ông được tín nhiệm bầu là ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh, Trưởng ban Văn nghệ dân gian 2 nhiệm kỳ.

Trên 60 năm gắn bó với văn thơ, ông đã để lại những dấu ấn bằng những phần thưởng cao quý mà ít tác giả trong tỉnh có được. 32 tuổi, ông đoạt giải Ba cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam (1969-1970) với chùm 2 bài thơ: “Trên cánh đồng năm tấn Nguyễn Văn Bé” và “Suy nghĩ trong buổi đón huy hiệu Bác Hồ”. Đến năm 1971-1974, ông lại đoạt giải thưởng về thơ trong cuộc vận động sáng tác văn học 27/7 do Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ông còn 7 lần đoạt giải thưởng VHNT Côn Sơn, do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, trong đó 3 lần đoạt giải về thơ. Có thể nói, gần trọn cuộc đời tác giả Nguyễn Hữu Phách dành cho thơ. Ông coi thơ như người bạn tri âm, tri kỷ. Tuổi càng cao, thơ ông càng có độ dày trải nghiệm. Những trăn trở nhân sinh như dòng chảy ào ạt vào thơ ông.

Ông tâm sự “Ra đi từ cánh đồng làng, nên trong thơ ông thiên hướng về những hoài niệm, tình cảm tha thiết với quê hương”. “Quê hương” như tấm vải đơn sơ, thô mộc nhưng ấm nồng, chan chứa tình cảm của ông: “Chỉ quê hương là vô cùng rộng lượng/ Nơi con người tập lẫy, tập bò, tập chững/ Đã thấy cái giếng, cây đa/ Hương thơm, tiếng hót lặn vào hồn ta”.

Ngoài làm thơ ông còn sáng tác truyện ngắn, một thể loại văn học được ông lặng lẽ, bền bỉ theo đuổi. Các truyện ngắn của ông cũng lần lượt được in trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, có những truyện được sáng tác cách nay trên 60 năm và đã đạt giải tại các cuộc thi như: “Một tác phẩm dự thi”, giải Khuyến khích đợt I (1958); truyện ngắn “Trên trường bắn”, giải Khuyến khích đợt II (1959), cuộc thi viết về đời sống bộ đội trong hoà bình do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (in trong tập “Theo đường dây số 6”, NXB Quân đội Nhân dân, (1960). Vào dịp ông tròn 85 tuổi, các con, cháu đã tập hợp 38 truyện ngắn mà ông tâm đắc nhất để in thành tập với tiêu đề “Chiếc khăn tay viền đỏ”. Thế mạnh truyện ngắn của ông là bám sát hơi thở cuộc sống…

Công việc của một nhà báo khi còn công tác đã giúp ông sưu tầm được nhiều tư liệu phục vụ cho việc hình thành những tác phẩm văn nghệ dân gian như: “Chuyện cũ Mộ Trạch”, “Truyện cổ dân gian Nam Sách” (Chủ biên, in chung với Nguyễn Văn Đức), 2000; "Thành hoàng và đình làng ở Bình Giang", 2011; "Ca dao, vè, múa rối nước ở Hải Dương" (In chung), 2011; “Văn nghệ dân gian Hải Dương- tập I” (In chung), 2015 “Làng Hóp ngày xưa”, 2017 đã góp phần gìn giữ giá trị văn hóa dân gian cho địa phương. Công trình sưu tầm “Chuyện cũ Mộ Trạch” đã đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2002.

Ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt được những thành tựu, được nhiều giải thưởng báo chí và văn học nghệ thuật. Nay ở tuổi thượng thọ, ông vẫn đam mê viết. Ông vẫn thường xuyên có tác phẩm được in trên Báo Hải Dương, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương, đặc san Người làm báo xứ Đông. Ông chia sẻ “Báo chí, văn học nở rộ hằng ngày cung cấp cho bạn đọc nguồn vui”, nên mỗi sáng, ông chỉ mong các cô phát hành báo chí mang báo đến để ông được đọc, rồi viết. Ông khoe tôi giấy mời của Báo Hải Dương dự gặp mặt nhân kỷ niệm 61 năm ngày ra số báo đầu tiên cùng bài thơ ông mới sáng tác để đọc trong buổi lễ. Chúc ông luôn mạnh khỏe, thượng thọ để cống hiến cho báo chí, văn học nghệ thuật những tác phẩm có giá trị. 
 
 
Các tin mới hơn
Cố hương(19/04/2024)
Tháng Ba tìm lối ta về (19/04/2024)
Tản văn "Đêm nay hoa bưởi dậy thì" của tác giả Lê Phương Liên (19/04/2024)
Đi và về(19/04/2024)
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư(19/04/2024)
Các tin cũ hơn
Chuyện làng văn nghệ: "Muôn nẻo bút danh nhà văn" của tác giả Mộc Uyển(31/12/2022)
Mục Văn nghệ dân gian: "Con trâu" của tác giả Tăng Bá Hoành(31/12/2022)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bản tình ca cuộc sống" của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga(30/12/2022)
Cánh đồng và bầy chim(29/12/2022)
Sân khấu: Kịch ngắn "Nghĩa tình đồng đội" của tác giả Xuân Ba(29/12/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na