Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Họa sĩ Phạm Khải Hồng lao động sáng tạo là hạnh phúc của người nghệ sỹ" của tác giả Ngọc Hân
28/04/2022 12:00:00

 
 
 

Họa sĩ Phạm Khải Hồng sinh ngày 10-6-1935 tại thôn Hành Thiện, xã Xuân Khu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, lập nghiệp và thành danh họa sĩ trên mảnh đất xứ Đông- Hải Dương. Năm 1960 tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam), ông về công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Hải Dương với nhiệm vụ họa sĩ của Ty và của Tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Sau này ông tiếp tục theo học khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Ông là hội viên lớp đầu của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Khi Hội mới thành lập năm 1978, ông cùng một số văn nghệ sĩ của Ty Văn hóa được trưng dụng giúp việc Ban Vận động thành lập Hội. Với những đóng góp tích cực trong xây dựng Hội, ông được tín nhiệm giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Hội khóa I, II, III, IV; Ủy viên Ban Thường vụ Hội khóa II. Năm 1980, ông được vinh dự kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trong thời gian công tác, ông là một cán bộ mẫn cán và có trách nhiệm, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mỹ thuật Hải Dương những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này. Chính những tháng năm gắn bó, cống hiến không mệt mỏi, mảnh đất tỉnh Đông đã trở thành “miền đất hứa” cho nghệ thuật hội họa Phạm Khải Hồng thăng hoa.

Cũng như các họa sĩ cùng thế hệ, ông vẽ nhiều thể loại, và sử dụng nhiều chất liệu như: Sơn dầu, acrylic, lụa, bột màu, thuốc nước… Tuy nhiên bột màu và thuốc nước là hai chất liệu được họa sĩ thường sử dụng và đạt hiệu quả cao.

Họa sĩ Phạm Khải Hồng là người có kiến thức sâu rộng về mỹ thuật. Ông am hiểu và tinh thông từng thể loại, kỹ thuật, chất liệu... Theo ông, một bức tranh chân dung nhân vật đẹp phải “giống cho đời nay, đẹp cho đời sau”. Đó là tiêu chí sáng tác mà họa sĩ Phạm Khải Hồng thuộc nằm lòng để tạo nên cái duyên, cái đẹp trong những bức chân dung: “Mẹ tôi”, “Vợ tôi”, “Con gái”, “Tuổi 18”, “Thiếu nữ”, “Nhạc sĩ”… Còn một bức tranh phong cảnh đẹp trước hết phải nắm được vẻ đẹp đặc thù của từng cảnh vật. Quan trọng hơn “Ánh sáng phải là nhân vật chính trong tranh phong cảnh”, bởi chỉ một cảnh vật thôi, ánh sáng ban mai, trưa hè, hoàng hôn đều đem lại cảm thụ cuộc sống khác nhau. Trong tranh sinh hoạt, ông vẽ thiên về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân, những cảnh sinh hoạt thường thấy trong đời thường bình dị của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nổi bật như tác phẩm: “Những em bé chăn trâu”, “Những cô gái nông thôn”, “Buổi đầu”. Còn tranh tĩnh vật là thể loại mà họa sĩ Phạm Khải Hồng muốn tự vượt chính mình, được sáng tác theo xu hướng nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại, đó là sự cách điệu, cường điệu, siêu thực về hình sắc, tạo hình lập thể và ấn tượng, trừu tượng.

Không chỉ cống hiến và đam mê sáng tác, từ năm 1975 đến 2015, họa sĩ Phạm Khải Hồng đã dạy vẽ cho trên 300 em học sinh đỗ vào các trường: Đại học Mỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm nhạc họa, Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp…

Ông có nhiều tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế, toàn quốc, khu vực và ở tỉnh. Từ năm 1980- 1993, ông cùng với các họa sĩ trong Ban Mỹ thuật tổ chức 10 cuộc triển lãm mỹ thuật toàn tỉnh từ ngày hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương. Năm 1956, ông có tác phẩm “Con ơi nhớ lấy mối thù này” tham gia triển lãm Quốc tế ở các nước Đông Âu; năm 1966, triển lãm Quốc tế ở Ba Lan, tác phẩm “Thủy lợi tốt, nâng cao sản lượng, giảm sức lao động”; năm 1958 triển lãm Quốc tế ở Liên Xô với tác phẩm “Khúc ca hòa bình”. Ông còn có 4 triển lãm cá nhân ở thủ đô Hà Nội các năm: 1993, 1997, 2003, 2008. Ngoài ra, ông có 5 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 3 tác phẩm lưu giữ tại các bảo tàng Mỹ thuật quốc tế như: Ba Lan, Liên Xô (cũ), Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ); cùng một số sưu tập cá nhân tại Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Việt Nam.

 
Quê ngoại Bác (Acrylic) 110x130cm, 2019 

 

Với những cống hiến của mình, ông đoạt Giải C, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980, tác phẩm “Mùa thi” (sơn dầu); Giải B Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ I (1981-1985), cụm tác phẩm tranh màu dầu: “Mùa thi”, “Vào vụ”, “Buổi đầu”; Giải B Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ II (1986-1990), cụm tác phẩm tranh bột màu, màu dầu: “Hình sắc dân gian”, “Rê thóc”, “Chân dung ông Cửu”.

Năm 2012, khi đã vượt ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, ông in tuyển tập “Mỹ thuật Phạm Khải Hồng” và vẫn lấy sáng tác, công bố tác phẩm làm niềm vui.

 
 Bóng chiều (Acrylic) 110x130cm, 2021
 
Bằng những sáng tác tâm huyết của mình, đến nay, ở tuổi 88, họa sĩ Phạm Khải Hồng đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Mỹ thuật Hải Dương cũng như có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Với những cống hiến ấy, họa sĩ Phạm Khải Hồng đã được trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”; Huy chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam”. 
 
 
Các tin mới hơn
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy(27/03/2024)
Tình khúc bánh chưng(27/03/2024)
Đón Giao Thừa(27/03/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: Tản văn "Tết mười hai" của Nguyễn Hằng(27/03/2024)
Ghi chú Hải Dương(27/03/2024)
Các tin cũ hơn
Kiến trúc: "Kiến trúc đình làng Việt đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt Nam" của KTS Nguyễn Phương Liên(27/04/2022)
Ra đồng gặp lại chùm rau khúc(27/04/2022)
Tản văn "Những giai điệu gọi mùa tha thiết…" của tác giả Lê Kiều Hưng(26/04/2022)
Sân khấu: Kịch ngắn "Tình đồng đội" của tác giả Nguyễn Công Bằng(26/04/2022)
Truyện ngắn "Sông quê tráng gió" của tác giả Phan Đình Minh(25/04/2022)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na